Báo Pháp Le Monde dẫn nguồn thạo tin cho hay, Ukraine đã tìm ra cách khiến ngày càng nhiều UAV của Nga bay ngược trở lại Nga hoặc sang Belarus bằng cách làm rối loạn hệ thống định vị của các vũ khí này.
Đây được xem là cách hiệu quả để đối phó với số lượng lớn UAV mà Nga phóng ra mỗi ngày mà không buộc Ukraine phải sử dụng quá nhiều vũ khí phòng thủ đắt đỏ so với giá thành của mỗi chiếc máy bay không người lái.
Theo nguồn tin từ tình báo quân sự Ukraine, Kiev đã “đánh lừa” máy bay không người lái Geran của Nga (Kiev và phương Tây nghi là Shahed của Iran) bằng cách “chặn tọa độ vệ tinh”.
Hệ thống định vị được sử dụng trong các loại vũ khí như máy bay không người lái có thể bị gây nhiễu, bị chặn theo dõi vị trí mục tiêu, hoặc giả mạo mục tiêu. Khi đó, thiết bị sẽ được cung cấp dữ liệu sai liên quan tới vị trí thực tế của mục tiêu, khiến UAV bị nhầm lẫn và đổi hướng tấn công khi đang lao tới đúng đường.
Các biện pháp gây nhiễu và giả mạo mục tiêu ngày càng được sử dụng nhiều hơn khi UAV và thiết bị không người lái đã trở thành một phần quan trọng của tác chiến hiện đại.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã phóng “số lượng kỷ lục máy bay không người lái tấn công” vào Ukraine qua đêm, tổng cộng là 188 UAV.
Sau đó, Không quân Ukraine cho biết tác chiến điện tử của nước này khiến 95 UAV đi lệch hướng, với 5 chiếc bị chuyển đường bay sang Belarus.
Sau đó, cơ quan tình báo nguồn mở có trụ sở tại Belarus, Dự án Hajun, cho biết rằng “ít nhất 17” máy bay không người lái của Nga đã bay từ Ukraine vào Belarus qua đêm. Tổ chức này tiếp tục ghi nhận các vụ việc UAV Nga bay vào Belarus trong những đêm tiếp theo.
Cựu tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine và Đại sứ của Kiev tại London, Tướng Valery Zaluzhnyi, năm ngoái cho biết Ukraine đã bắt đầu sử dụng hệ thống tác chiến điện tử “toàn quốc” có tên gọi là “Pokrova”, có khả năng đánh lừa hệ thống định vị vệ tinh của Nga dọc theo tiền tuyến và những nơi khác tại Ukraine.
Pokrova có thể ngăn chặn các hệ thống định vị GLONASS của Nga, và giả mạo chúng bằng cách thay thế tín hiệu thật bằng tín hiệu sai khiến vũ khí Nga bay sai hướng.
Nhược điểm lớn của Pokrova là nó kém hiệu quả hơn trước các tên lửa hành trình của Nga, tuy nhiên, nó có thể đánh lừa được các UAV với hệ thống dẫn đường đơn giản hơn.
Thiết bị tác chiến điện tử thường được gọi là “sát thủ vô hình” vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.
Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.
Với hoạt động tấn công, lực lượng tác chiến điện tử sẽ vô hiệu hóa hoặc làm giảm năng lực hệ thống của đối phương, trong đó có liên lạc qua vô tuyến, điện thoại di động, radar phòng không hoặc radar pháo binh. Thứ ba hoạt động là đánh lừa đối phương để đạn bắn trượt mục tiêu.