Nhật Bản muốn đồng hành cùng Việt Nam trong “kỷ nguyên vươn mình”

Nhật Bản muốn đồng hành cùng Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình - 1

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/11 (Ảnh: Thành Đạt).

“Việt Nam đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới và Nhật Bản mong muốn đồng hành, tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đó”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 26/11, nhân dịp tròn một năm Việt Nam và Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.

Đại sứ Ito Naoki cho rằng, trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện, quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng hơn và dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu, kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam sẽ là cơ hội tuyệt vời để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. 

“Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm hơn nữa cho cộng đồng quốc tế. Chúng tôi tin tưởng rằng lập trường ngoại giao tích cực như vậy của Việt Nam sẽ càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc hay ASEAN”, Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh.

Năm tới, Nhật Bản cùng với Việt Nam sẽ đồng chủ trì khuôn khổ hợp tác Mekong – Nhật Bản. Đại sứ Ito Naoki hy vọng với vai trò tích cực của Việt Nam cũng như sự hợp tác của Nhật Bản đối với khu vực Mekong sẽ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp.

Đề cập đến 3 cơ sở hạ tầng chiến lược gồm giao thông và đường sắt đô thị, năng lượng và kỹ thuật số, Đại sứ Ito Naoki cho biết, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc trong từng lĩnh vực này. Đây là những lĩnh vực mà Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới vì sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.

“Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia là trở thành nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045”, Đại sứ Ito Naoki khẳng định.

Theo Đại sứ Ito Naoki, trong một năm qua, hai nước đều có thay đổi về lãnh đạo chủ chốt, nhưng các hoạt động đối thoại và giao lưu cấp cao vẫn tiếp diễn nhằm cụ thể hóa mối quan hệ đối tác.

“Nhìn lại một năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đang ngày càng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, không chỉ kinh tế, thương mại, đầu tư mà cả an ninh quốc phòng và giao lưu nhân dân”, Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh.

Tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực

Đại sứ Ito Naoki đã điểm lại những thành tựu mà Nhật Bản và Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua sau khi hai nước nâng cấp quan hệ.

Về kinh tế – thương mại, vào tháng 3, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí khởi động “Sáng kiến chung Nhật Bản – Việt Nam trong kỷ nguyên mới”. Hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận và đạt được kết quả cụ thể trên 5 lĩnh vực hợp tác: năng lượng, đổi mới, tăng cường chuỗi cung ứng bao gồm công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện môi trường đầu tư.

Khi thị trường tiêu dùng của Việt Nam mở rộng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, sự quan tâm của Nhật Bản đến lĩnh vực bán lẻ cũng ngày càng tăng.

Đề cập đến kết quả khảo sát mới nhất của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Đại sứ Ito Naoki cho biết, Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư hứa hẹn thứ hai đối với các công ty Nhật Bản.

Lĩnh vực thương mại và đầu tư được đẩy mạnh, kim ngạch thương mại của hai nước đã tăng 1,8 lần trong 10 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, Đại sứ Ito Naoki kỳ vọng Nhật Bản và Việt Nam có thể nâng kim ngạch thương mại từ 90 tỷ USD lên 100 tỷ USD. Kim ngạch thương mại năm ngoái xấp xỉ 45 tỷ USD, với mức tăng gấp 1,8 lần so với 10 năm trước, nếu tiếp tục với tốc độ đó thì có khả năng trong 10 năm tới con số sẽ là 90 tỷ đến 100 tỷ USD.

Về công nghệ bán dẫn, các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Vào tháng 8, công ty Tokuyama đã thành lập công ty con tại Việt Nam để sản xuất và bán silicon đa tinh thể dùng cho chất bán dẫn. Dự án này đã được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chọn vào danh mục Dự án đồng sáng tạo hướng tới tương lai Global South (Phương Nam toàn cầu) và đang nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản.

Ngoài ra, vào tháng 10, công ty Rorze Robotech đã quyết định xây dựng thêm một nhà máy mới tại một khu công nghiệp ở Hải Phòng, mở rộng nhà máy chế tạo robot sử dụng trong thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Việt – Nhật vừa kỷ niệm 10 năm thành lập và lứa sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp vào tháng 7. Trường Đại học Việt – Nhật đang chuẩn bị nội dung chương trình giảng dạy để đào tạo về chất bán dẫn để sinh viên Việt Nam có thể học về lĩnh vực bán dẫn tại trường trong tương lai.

Về năng lượng, việc cấp phép cho dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG tại Thái Bình được thực hiện vào tháng 3. Dự án khai thác khí lô B đã nhận được phê duyệt đầu tư cuối cùng vào mùa xuân năm nay và đã bắt đầu có những bước tiến cụ thể.

Về giao thông – vận tải, tuyến đường sắt đô thị sẽ bắt đầu vận hành tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 12. Dự án này được thực hiện với sự hợp tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Nhật Bản và sự tham gia của các công ty Nhật Bản. Dù đã mất một khoảng thời gian chờ đợi, nhưng khi đi vào hoạt động, đây sẽ là một dự án giao thông đô thị biểu trưng cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản và thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân TPHCM.

Về an ninh, an toàn hàng hải, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã cung cấp cho quân đội Việt Nam công nghệ xử lý chống ăn mòn và cung cấp xe vận chuyển vật liệu. Ngoài ra, dự án đóng 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam đang được triển khai.

Về biến đổi khí hậu, Nhật Bản sẽ sử dụng công nghệ và tài chính của mình nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu bằng cách xây dựng cơ chế hợp tác trong nhiều lĩnh vực sâu rộng như năng lượng điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo hoặc LNG để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tháng 9 vừa qua, bão Yagi đã đổ bộ Việt Nam và để lại những thiệt hại nặng nề. Tính đến nay, thông qua JICA và các tổ chức quốc tế như UNICEF, IOM và Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai, Nhật Bản đã viện trợ tổng cộng khoảng 2,4 triệu USD cho Việt Nam.

Trên quan điểm trung và dài hạn, Nhật Bản đang chuẩn bị triển khai dự án vốn vay ODA để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đối phó với thiên tai và biến đổi khí hậu tại khu vực miền núi phía Bắc. Qua hình thức viện trợ này, Nhật Bản mong muốn góp phần hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai.

Về lao động việc làm, năm nay, Nhật Bản đã bắt đầu tổ chức các kỳ thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong 5 lĩnh vực là chăm sóc điều dưỡng, nông nghiệp, bảo dưỡng ô tô, dịch vụ lưu trú, xây dựng. Ngoài ra, các kỳ thi về lĩnh vực phục vụ ăn uống và sản xuất thực phẩm và đồ uống dự kiến sẽ được tổ chức.

Số lượng thực tập sinh kỹ năng và kỹ năng đặc định người Việt Nam chiếm một nửa số lượng người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản. Theo Đại sứ Ito Naoki, nguồn nhân lực Việt Nam vô cùng quan trọng và có giá trị đối với nền kinh tế và xã hội của Nhật Bản, nên Nhật Bản muốn đảm bảo rằng người lao động Việt Nam có thể sống hạnh phúc hơn ở Nhật Bản.

Từ khi thiết lập quan hệ đối tác mới, số lượng người Việt Nam lưu trú tại Nhật Bản gia tăng ổn định và lần đầu tiên vượt mức 600.000 người trong năm nay. Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí hàng đầu là điểm đến ưa thích của người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Để giữ vững vị trí này, Nhật Bản sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ chế và cải thiện môi trường để giới trẻ Việt Nam lựa chọn Nhật Bản, để Nhật Bản tiếp tục là thị trường lao động hấp dẫn đối với giới trẻ Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × four =