Mỹ xem xét thay đổi chiến lược răn đe hạt nhân

Mỹ xem xét thay đổi chiến lược răn đe hạt nhân - 1

Tàu ngầm USS Ohio của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Mỹ xem xét sẽ điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước này để ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga và Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận rằng “nhiều đối thủ ngang hàng về hạt nhân đang thách thức an ninh của Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác của nước này”, đồng thời nói thêm rằng các quốc gia đó đang phát triển và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

Trước tình hình này, ông Richard Johnson, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng, đã chỉ đích danh Nga và Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng Mỹ có thể cần phải điều chỉnh bản Đánh giá tình hình hạt nhân để duy trì khả năng răn đe bằng vũ khí nguyên tử. Ngoài ra, ông lưu ý rằng nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân hiện tại của Mỹ có thể là chưa đủ.

Theo ông Johnson, để giải quyết những lo ngại đó, Lầu Năm Góc “đã thực hiện các bước để tăng cường năng lực răn đe hạt nhân và tính linh hoạt”. Các yếu tố chính bao gồm phát triển bom trọng lực B61-13, đồng thời tăng cường khả năng sẵn sàng của tàu ngầm lớp Ohio được trang bị vũ khí hạt nhân và chạy bằng năng lượng nguyên tử.

Lầu Năm Góc đã công bố việc phát triển một biến thể mới của bom B61 vào tháng 10 năm ngoái, cho biết rằng nó sẽ thay thế một số phiên bản cũ hơn và cung cấp cho Mỹ “các lựa chọn bổ sung để chống lại một số mục tiêu quân sự khó tấn công, diện tích lớn”.

Trong khi đó, Washington nhấn mạnh rằng việc triển khai bom B61-13 “không phải để ứng phó với bất kỳ sự kiện cụ thể nào” và sẽ không làm tăng tổng kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Tàu ngầm lớp Ohio là yếu tố then chốt của bộ ba hạt nhân Mỹ và được thiết kế đặc biệt để răn đe hạt nhân. Chúng có thể được trang bị tên lửa Trident có tầm bắn lên tới 12.000km.

Bình luận của ông Johnson được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh thay đổi học thuyết hạt nhân.

Đầu tuần này, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine bằng tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik mới nhất có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Động thái của Nga nhằm đáp trả các cuộc tấn công xuyên biên giới của Kiev bằng hệ thống ATACMS và HIMARS do Mỹ sản xuất, cũng như tên lửa Storm Shadow do Anh chế tạo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × two =