Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu, quy định xử lý dữ liệu xuyên biên giới

Chiều 30/11, với 451/458 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Luật vừa thông qua có quy định về việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng bao gồm: Chuyển dữ liệu đang lưu trữ tại Việt Nam tới hệ thống lưu trữ dữ liệu đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam sử dụng nền tảng xử lý ở ngoài lãnh thổ Việt Nam để xử lý dữ liệu.

Việc chuyển, xử lý dữ liệu quy định trên phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Luật khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho cơ quan Nhà nước.

Tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý trong các trường hợp sau đây: Ứng phó với tình trạng khẩn cấp; Khi có nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; Thảm họa; Phòng, chống bạo loạn, khủng bố.

Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước nhận được dữ liệu có trách nhiệm sử dụng dữ liệu đúng mục đích.

Cơ quan này cũng bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, bảo vệ bí mật dữ liệu, lợi ích hợp pháp khác của chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × one =