Nhiều thương hiệu thời trang Việt âm thầm biến mất

Cạnh tranh không nổi với hàng Trung Quốc giá rẻ

Ngày 30.11 tới đây, thời trang Lep’, thương hiệu “made in Vietnam”, sẽ chính thức đóng cửa sau hành trình 8 năm phát triển với 17 chi nhánh trên cả nước. Từng có lượng khách hàng khá lớn khi trang Facebook của nhãn hàng này có 1 triệu người theo dõi và 866.000 lượt thích. Trong hai ngày 21 và 22.11, chi nhánh trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) và Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM) đã chính thức ngừng hoạt động.

Trong thông báo đăng trên mạng xã hội vào giữa tháng 11 này, chị Nguyễn Ngọc Trâm – Tổng giám đốc Lep’ – thừa nhận “đây chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng”, nhưng bản thân cảm thấy kiệt sức và không thể tiếp tục theo kịp sự phát triển chóng mặt của thị trường thời trang. Hơn nữa, việc điều hành một công ty lớn với hàng trăm nhân viên trong suốt nhiều năm đã khiến chị “từ một cô gái mộng mơ dễ thương trở thành một người phụ nữ cau có và cạn kiệt năng lượng”.

Trước đó, cuối tháng 7, chuỗi 22 cửa hàng thời trang nam Catsa với lịch sử hơn 13 năm cũng bất ngờ tuyên bố đóng cửa từ ngày 25.8. Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thùy Linh Cát, chủ thương hiệu Catsa, cho biết suốt 13 năm hoạt động, chưa có năm nào công ty bị lỗ. Thậm chí có thời gian, doanh thu của Catsa lên đến cả trăm tỉ đồng một năm, lãi ròng chiếm đến gần 20%. Doanh thu gần nhất của Catsa vào năm 2023 là gần 50 tỉ đồng.

Theo bà Cát, để tồn tại, nhiều nhãn hàng thời trang Việt phải ra sức cắt giảm các chi phí, làm sao để có sản phẩm giá rẻ, cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Tương tự Catsa, 9 cửa hàng thời trang Giian cũng vừa đóng cửa trong năm nay. Chủ thương hiệu nói chính nền tảng thương mại điện tử phát triển nhanh, hành vi tiêu dùng của khách thay đổi liên tục, khiến nhiều chủ doanh nghiệp (DN) thời trang “hụt hơi”.

Một thương hiệu thời trang giới trẻ khác là Miêu có tuổi đời 13 năm tại TP.HCM cũng đóng cửa trong năm nay. Thương hiệu Ivy Moda chuyên thời trang nam và nữ, vừa qua cũng ngừng kinh doanh mảng thời trang nam sau 5 năm hoạt động.

Nhìn lại lịch sử, năm 2010 là mốc đánh dấu thời trang nội địa lên ngôi với loạt thương hiệu ra đời có độ phủ sóng nhanh, cửa hàng đều đặt tại các tuyến đường sầm uất nhất. Trong đó, có thể kể đến Ninomaxx, Foci, The Blues (Blue Exchange), Canifa, Việt Thy, Ha Gattini, PT2000, N&M, Nem, Elise, Ivy Moda, Maxx Style… Đến nay, sau hơn 1 thập niên, đa số đã âm thầm biến mất hoặc thu hẹp; chỉ còn một số thương hiệu trụ vững, phát triển quy mô khá tốt như Canifa, Gumac, Yody…

Bà Nguyễn Thị Trang, chủ thương hiệu thời trang tuổi trung niên D&T (TP.HCM), thừa nhận: Có nhiều lý do khiến thời trang Việt dần rơi rụng trên thị trường. Thứ nhất là sự du nhập nhiều nhãn hàng thời trang phân khúc trung bình từ các nước châu Âu, châu Á, Mỹ vào VN. Đa số các nhãn này có trường vốn, hệ thống phân phối lớn trên toàn cầu, nên bảo toàn quy mô tốt hơn trong bối cảnh thị trường giảm mua sắm. Trong khi đó, việc mở rộng hệ thống kinh doanh nhanh để chiếm thị phần trước đây của DN nội đã trở thành gánh nặng khi nhu cầu mua sắm giảm mạnh. Không ít DN mất kiểm soát dòng tiền, buộc phải co cụm và cuối cùng là phải bỏ cuộc. Ngoài ra, hàng thời trang giá rẻ từ Trung Quốc được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, đến thẳng tay người tiêu dùng không phải nộp thuế, thông qua hệ thống logistics rất nhanh và được Chính phủ nước họ trợ lực. Trong khi đó, DN nội phải đối diện với nhiều rào cản. Một mặt phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, mặt khác phải đóng thuế đầy đủ, nên rất khó để cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc.

Lý giải vì sao đang ăn nên làm ra lại đột ngột đóng cửa, chủ thương hiệu thời trang Catsa Nguyễn Thùy Linh Cát cho hay: “Tôi không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Để cạnh tranh phải làm hàng theo xu hướng thời trang nhanh thì tác động tiêu cực đến môi trường, xả rác thải thời trang nhanh ra môi trường… Đó là điều tôi không muốn”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen − 7 =