Xổ số Đắk Nông “cầu cứu” tỉnh khi vé số miền Nam bán tràn lan

Vé số Đắk Nông tiêu thụ chưa đến 10%, vé hủy cao

Chiều 29/11, trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Trần Phú Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết (Công ty xổ số) Đắk Nông, cho biết, trước thực trạng trên địa bàn tràn lan người bán vé số miền Nam, phía công ty đã có các văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông, các cơ quan chức năng để vào cuộc giải quyết vấn nạn này.

“Phía UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở, ngành thành lập đoàn kiểm tra, xử lý và tỉnh cũng có văn bản báo cáo Bộ Tài chính về tình trạng này”, ông Thọ nói.

Xổ số Đắk Nông cầu cứu tỉnh khi vé số miền Nam bán tràn lan - 1

Vé số miền Nam được bày bán tại một địa điểm bán vé số trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo ông Thọ, hoạt động xổ số là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ quy định pháp luật. Theo Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn vé số khu vực nào chỉ được lưu hành, bán ở khu vực đó và không được phát hành sang khu vực khác, nếu không sẽ bị xử phạt.

Ông Thọ nói thêm, vé số cả nước chia làm 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam; mỗi vùng có đặc điểm, đặc thù riêng biệt. Tuy nhiên, địa bàn Đắk Nông giáp ranh với các tỉnh miền Nam nên vé số được các đầu nậu tuồn sang bán tại địa phương rầm rộ.

“Thực tế có người bán vé số dạo là những người nghèo khổ, yếu thế trong xã hội, khi phát hiện nếu xử phạt theo quy định ở mức 10-20 triệu đồng là quá nặng nên không thể xử lý. Bên cạnh đó, cũng có những người không phải nghèo khổ nhưng đã lợi dụng việc bán vé số dạo để phân phối, bán vé số miền Nam sai địa bàn”, ông Thọ nói.

Giám đốc Công ty xổ số Đắk Nông nhấn mạnh, việc vé số miền Nam tràn vào địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến doanh thu, hoạt động chung của vé số khu vực miền Trung và cả những người chấp hành tốt quy định bán được vé.

Xổ số Đắk Nông cầu cứu tỉnh khi vé số miền Nam bán tràn lan - 2

Người bán vé số luôn kèm theo các tệp vé số miền Nam để bán cho khách có nhu cầu (Ảnh: Uy Nguyễn).

Ông Thọ dẫn chứng, hiện tại, xổ số Đắk Nông phát hành 14 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên nhưng chỉ tiêu thụ chưa đến 10% số vé và lượng vé thừa phải hủy rất nhiều. Vé số Đắk Nông phát hành khoảng 3 triệu vé nhưng doanh thu chỉ được khoảng 3 tỷ đồng.

“Doanh thu từ xổ số được sử dụng để đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội giáo dục, y tế và phát triển kinh tế tại địa phương. Nhưng thực trạng vé số Đắk Nông được tiêu thụ ít, rủi ro lỗ rất cao nên nguồn thu để đầu tư cho tỉnh rất thấp”, ông Thọ nói thêm.

Tuy nhiên, Giám đốc Công ty xổ số Đắk Nông khẳng định, việc vé số xâm lấn địa bàn chủ yếu do các đầu nậu tự phân phối, không phải do chủ trương từ các công ty xổ số miền Nam.

Vé miền Nam bán ở Đắk Nông cao hơn 1.000 đồng/vé vẫn hút người mua

Trên một số tuyến phố tại thành phố Gia Nghĩa như đường 23 tháng 3, Huỳnh Thúc Kháng… tại một số điểm vé số, người bán vẫn kèm theo vài tệp vé số miền Nam.

Đáng nói, các vé số miền Nam được bán với giá 11.000 đồng/vé, giá sai so với mệnh giá in trên tờ vé, cao hơn vé số miền Trung – Tây Nguyên 1.000 đồng/vé nhưng nhu cầu mua vẫn rất cao.

Về nguyên nhân vé số miền Nam “hút” khách, ông A. (một người bán vé số) lý giải, trong khi vé số miền Trung – Tây Nguyên cơ cấu giải 3 tờ vé đặc biệt số tiền trúng độc đắc tối đa là 6 tỷ đồng; vé số miền Nam cơ cấu giải đặc biệt với 13 tờ, giải thưởng lên tới 26 tỷ đồng. Do đó, nhiều người thích mua theo lô serie hơn để trúng nhiều hơn.

Trước đó, Sở Tài chính Đắk Nông đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông về việc xử lý vi phạm các hoạt động kinh doanh xổ số trên địa bàn, trong đó, có tình trạng vé số miền Nam được bày bán.

Theo Sở Tài chính Đắk Nông việc kiểm tra không được thường xuyên, không đầy đủ thành phần đoàn do tính chất công việc của từng cơ quan, đơn vị. Khi đoàn không đi kiểm tra, tình trạng bán vé số sai địa bàn vẫn tiếp diễn; Việc kiểm tra trong giờ hành chính nên các đối tượng cung cấp vé số miền Nam dễ dàng né tránh.

Đoàn không đủ nhân lực, nghiệp vụ theo dõi, bắt quả tang để xử lý; các đối tượng là người bán vé số dạo (đa số là người già, trẻ em, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn…), việc xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra của các huyện, thành phố chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, không có chế tài xử phạt nên không có tính răn đe đối với các đối tượng cố tình vi phạm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × three =