Đó là thông tin được ông Trần Duy An – Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) – đưa ra tại Diễn đàn Nâng cao năng lực cộng đồng phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp báo Nông nghiệp tổ chức ngày 29/11.
Mỗi năm ĐBSCL mất từ 300-500ha đất do sạt lở
Đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nhận định, thiên tai đã và đang đe dọa trực tiếp đến sinh hoạt và sinh kế của người dân vùng ĐBSCL.
ĐBSCL hiện có hơn 800 khu vực sạt lở, với tổng chiều dài trên 1000km; trung bình mỗi năm, vùng này mất từ 300-500ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. Tốc độ sụt lún trung bình hằng năm toàn vùng trong giai đoạn này là 1,07cm.
Mùa khô năm 2024, xâm nhập mặn đã làm hơn gần 74000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Trần Duy An, đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL đã xây dựng 15 hệ thống thủy lợi tương đối khép kín (7 liên tỉnh, 8 nội tỉnh) phục vụ 2,5 triệu ha (chiếm 64% diện tích ĐBSCL); cơ bản đảm bảo cấp, tiêu thoát nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp, nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai hiệu quả, đến
Các công trình lớn được xây dựng như Cái Lớn – Cái Bé, Ninh Quới… hỗ trợ kiểm soát vùng xâm nhập mặn cho vùng trồng trọt và giúp giảm số hộ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.
Theo ông An, dự báo diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới phức tạp hơn, khó lường hơn do tác động của biến đổi khí hậu và các tác động từ khai thác tài nguyên ở thượng nguồn sông Mê Kông.
Phù sa về ĐBSCL đang giảm hằng năm
Ông Lê Thanh Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) – thông tin, trong trường hợp 133 đập trên sông Mê Kông hoàn thành thì dự báo lượng phù sa về tới ĐBSCL giảm còn 4% (6-7 triệu tấn/năm).
Theo ông Lê Thanh Chương, bờ sông và bờ biển ĐBSCL hiện nay đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như: giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý.
ĐBSCL đã tập trung nguồn lực giải quyết các loại hình thiên tai. Công tác chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, kênh rạch, xói lở bờ biển, đã có hiệu quả nhất định nhưng hệ thống chưa được đầu tư đồng bộ.
Về định hướng phòng chống thiên tai trong thời gian tới, theo ông Chương, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đặt mục tiêu ĐBSCL đến năm 2030 sẽ giảm 50% thiệt hại về người trong các trận lũ lớn; giảm thiểu tác động xâm nhập mặn; sắp xếp lại, di dời dân cư ra hoàn chỉnh khỏi khu vực sạt lở.
Trong 3 tháng tới có thể xuất hiện mưa trái mùa ở ĐBSCL
Bà Nguyễn Thanh Hoa – Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết, trong 3 tháng thời tiết tới có thể nghiêng về hướng La Nina, đến tháng 3/2025, hiện tượng này sẽ chấm dứt.
Đặc biệt, trong 3 tháng tới, từ 12/2024 đến tháng 2/2025 có thể xuất hiện mưa trái mùa tại ĐBSCL, lượng mưa có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nhưng do đây là giai đoạn cuối mùa khô, nên lượng mưa tăng cao không đáng kể.
Phân tích sâu hơn về tình hình mưa tại khu vực Nam bộ, bà Hoa cho hay, lượng mưa có thể tăng cao vào tháng 12/2024, với tổng lượng mưa cao hơn từ 10-30mm so với trung bình nhiều năm, sau đó giảm dần.
Ngoài ra, mùa mưa tại ĐBSCL đang có xu hướng kết thúc muộn hơn. Hiện là cuối tháng 11, nhưng vị chuyên gia khí tượng nhìn nhận, khu vực miền Tây Nam bộ vẫn chưa bắt đầu vào mùa khô.