Gần cổng phía Nam của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có 2 cây thị cổ thụ, được người dân địa phương xem như báu vật của làng; trông coi, bảo vệ thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, cho biết hai cây thị cổ thụ này nằm ở vị trí trung tâm làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc.
Theo ông Long, năm 2015, hai cây thị cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.
Cây thị thứ nhất nằm cách hào thành phía Nam của Thành nhà Hồ khoảng 30m. Cây cao hơn 20m, chu vi tán khoảng 10m, thân cây có nhiều u mọc sần sùi, địa y bám đầy cành. Ngoài ra, phần gốc cây có nhiều tổ mối đùn, rễ lan dài 3-5m.
Cây thứ hai nằm trong khuôn viên Trường THCS Vĩnh Tiến cũ, tán rộng khoảng 9m, chiều cao hơn 20m.
Hai cây thị này được xác định có tuổi đời hơn 600 năm tuổi. Điều đặc biệt, mặc dù là cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nhưng 2 cây thị vẫn sum suê lá, phát triển tốt, ra hoa kết trái đều đặn.
Vào những ngày hè, 2 cây thị tỏa bóng mát rợp cả một vùng.
“Vào mùa, hai cây thị ra rất nhiều quả, tỏa hương thơm cả một vùng quê. Để bảo vệ 2 cây thị, người dân địa phương không ai dám chặt, phá, dù là bẻ một cành nhỏ. Nhiều năm qua, hai cây thị là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách khi đến với Thành nhà Hồ”, ông Long cho biết.
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô, An Tôn, Tây Kinh, hay Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc khu vực nội thành đã bị phá hủy. Ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.