Cặp vũ khí “song sát” giúp Nga phá hủy loạt tiêm kích quý giá của Ukraine

Cặp vũ khí song sát giúp Nga phá hủy loạt tiêm kích quý giá của Ukraine - 1

Khoảnh khắc tên lửa Iskander của Nga phá hủy tiêm kích Ukraine trong nhà chứa máy bay (Ảnh: Telegram).

Mùa hè năm nay, trong 3 ngày liên tiếp, các tên lửa của Nga đã gây ra thiệt hại cho không quân Ukraine khi phá hủy 3 tiêm kích của Kiev đậu ở căn cứ cách rất xa tiền tuyến.

Vài tháng sau, điều này lại xảy ra một lần nữa.

Cuối tuần trước, UAV trinh sát của Nga đã bay mà không bị cản trở trên căn cứ không quân Aviatorskoe-Dnipro gần thành phố Dnipro.

UAV Nga phát hiện một công trình dường như là nhà chứa máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29 của Không quân Ukraine. Vài phút sau, một tên lửa đạn đạo Iskander lao xuống, phát nổ dữ dội, phá hủy chiếc MiG-29.

Cuộc đột kích này gợi nhớ đến cuộc tấn công vào mùa hè năm nay. Vào ngày 1/7, một máy bay không người lái của Nga đã phát hiện 6 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 của không quân Ukraine đỗ ngoài trời vào ban ngày tại căn cứ không quân Mirgorod, ở phía bắc Ukraine, cách biên giới với Nga khoảng 160km.

Iskander sau đó đã được triển khai nhanh chóng, phá hủy 2 tiêm kích của Ukraine.

Ngày hôm sau, kịch bản quen thuộc lại xảy ra. UAV Nga bay lảng vảng trên không trên căn cứ không quân ở Poltava, nằm sát Mirgorod ở phía đông. Sau vài giờ đồng hồ UAV theo dõi để chốt mục tiêu, Iskander lại tiếp tục khai hỏa phá hủy trực thăng chiến đấu của Ukraine.

Sự kết hợp nhịp nhàng giữa UAV trinh sát và tên lửa Iskander tạo cho Nga một cặp “song sát” uy lực. UAV có nhiệm vụ theo dõi mục tiêu, truyền thông tin về nhóm vận hành tên lửa, bao gồm tọa độ, vị trí và hình ảnh. Kíp Iskander nhanh chóng thực hiện vụ tấn công, tận dụng uy lực của tên lửa này là tấn công chính xác, không cho đối thủ cơ hội di tản vũ khí.

Từ mùa thu năm 2023, các cuộc tấn công của Nga vào căn cứ Ukraine đã phá hủy ít nhất 2 chiếc Su-27, 4 chiếc MiG-29, một tiêm kích Su-25, một trực thăng Mi-24. Theo Forbes, đây là tổn thất không nhỏ với Không quân Ukraine, đơn vị chỉ có chưa tới 100 máy bay quân sự đang hoạt động và 50 trực thăng chiến đấu.

Máy bay và hệ thống phòng không là những vũ khí ngăn chặn đối phương kiểm soát bầu trời hiệu quả. Việc thiếu đi những vũ khí này có thể khiến Ukraine mất đi lợi thế trước Nga.

Jack Watling, một nhà phân tích của Viện Royal United Services tại Anh, cho rằng các cuộc tấn công của Nga hiệu quả vì Moscow thực hiện hoạt động giám sát liên tục và dày đặc ở vùng không phận trên các mục tiêu quân sự quan trọng của Ukraine.

Mặc dù có được hàng trăm hệ thống phòng không từ các đồng minh, Ukraine vẫn không thể bảo vệ hoàn toàn không phận của mình, ít nhất là không đủ triệt để để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ không quân và máy bay chiến đấu tại đó.

Đó là tin xấu cho không quân Ukraine khi họ đang phải vật lộn để tìm nguồn cung cấp máy bay cho các lữ đoàn chiến đấu. Rất khó để Ukraine tìm nguồn cung thay thế cho Su-27, Su-25 hay MiG-29, vì đây là những máy bay từ thời Liên Xô. Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã chuyển hầu hết các mẫu máy bay này cho Ukraine.

Ukraine có một kho khung máy bay MiG và Sukhoi từ thời Liên Xô cũ, nhưng họ không thể đảm bảo chất lượng các vũ khí này, cũng như thiếu linh kiện thay thế vì các nhà máy sản xuất đặt ở Nga.  

Ukraine đang tiếp nhận máy bay từ phương Tây nhưng với số lượng nhỏ giọt. Các phi công của họ cũng được đào tạo với số lượng nhỏ, chưa đủ vận hành phi đội. Để nhận đủ 100 máy bay đã được đồng minh cam kết, Ukraine phải chờ thêm vài năm nữa.

Và trừ khi Ukraine có thể nâng cấp hệ thống phòng không hiệu quả hơn để loại bỏ các UAV trinh sát của Nga, thì các tiêm kích mới được chuyển giao tiếp tục vẫn đối mặt với tình thế dễ tổn thương trước Iskander của Nga.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × 1 =