Chi tối thiểu hơn 22.450 tỷ đồng để phòng chống ma túy

Chiều 27/11, với 453/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Nghị quyết có mục tiêu làm tốt và nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân, nhất là với người có nguy cơ cao, thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động.

Qua đó, nhằm giảm mạnh số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; giữ vững, mở rộng và tiến tới các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy.

Chi tối thiểu hơn 22.450 tỷ đồng để phòng chống ma túy - 1

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (Ảnh: QH).

Chương trình được thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030 với số vốn tối thiểu là hơn 22.450 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương tối thiểu là hơn 17.725 tỷ đồng và hơn 4.674 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Về chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, nghị quyết quy định, hằng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy.

Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá.

Bên cạnh đó, hàng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%.

Cùng với đó, số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3% và số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%;

Nghị quyết cũng nêu phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

Ngoài ra, chỉ tiêu đến năm 2030 cũng phải đảm bảo cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Đồng thời, trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 + six =