“Chưa nước nào cùng lúc đánh hai loại thuế với xăng như Việt Nam”

Quan điểm này được đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) đưa ra khi thảo luận trên hội trường chiều 27/11 về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Với mặt hàng xăng, ông Đồng cho biết thực tế nhiều nước đánh thuế mặt hàng xăng nhưng thường các nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc đánh thuế bảo vệ môi trường. “Tôi không tìm được nước nào vừa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng như Việt Nam”, ông Đồng nói.

Theo vị đại biểu, mặt hàng xăng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. “Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường”, ông Đồng nêu quan điểm.

Chưa nước nào cùng lúc đánh hai loại thuế với xăng như Việt Nam - 1

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Ảnh: Hồng Phong).

Vị đại biểu đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng hoặc trường hợp cần thiết, điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.

Bên cạnh đó, ông Đồng cũng nêu thực tế việc sản xuất các loại ô tô chuyên dùng như xe cứu thương, xe chở tiền, xe chở phạm nhân, ô tô chuyên dùng khác… đang gặp rất nhiều vướng mắc về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dẫn chứng với xe cứu thương, đại biểu tỉnh Quảng Trị cho biết để sản xuất xe cứu thương, các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng đầu vào là một chiếc xe loại 9 chỗ hoặc 12 chỗ chưa được gắn nội thất. Những chiếc xe nguyên liệu đầu vào này thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất có thể lên đến 50%. Nhà sản xuất khi mua nguyên liệu đầu vào này đã phải trả thuế thông qua giá mua xe.

Sau khi cải tạo xe thương mại này thành xe cứu thương và bán ra, thì xe cứu thương thuộc diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Các doanh nghiệp không được khấu trừ hay hoàn đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào.

“Như vậy là đầu vào đã phải nộp thuế, mà đầu ra không được khấu trừ. Tức là chính sách của chúng ta nghe thì rất hay, là ưu tiên ưu đãi xe cứu thương bằng cách không đánh thuế đầu ra, nhưng chúng ta lại đánh thuế đầu vào mà không cho khấu trừ”, ông Đồng nêu bất cập.

Vị đại biểu chỉ ra hệ quả là chi phí sản xuất các ô tô cứu thương tại Việt Nam tăng 35-40%. Ông tính toán giá xe cứu thương khoảng 1 tỷ đồng mỗi chiếc, thì Nhà nước đang thu thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 250 đến 300 triệu đồng cho mỗi chiếc xe.

“Với khoảng 2.000 chiếc xe cứu thương trên toàn quốc, chúng ta đang thu khoảng 500 đến 600 tỷ đồng và chi phí này cuối cùng dồn lên người bệnh. Điều này làm tăng chi phí y tế, giảm khả năng tiếp cận dịch vụ của người bệnh”, theo lời ông Đồng.

Ông đề nghị phải có cơ chế để khấu trừ và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở đầu vào đối với các doanh nghiệp sử dụng ô tô thương mại để sản xuất ô tô chuyên dùng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × two =