Huế là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2025

Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương vừa được Quốc hội thông qua sáng 30/11, với 458/461 đại biểu tán thành (chiếm 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11km2 và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thành phố Huế giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; giáp Lào và Biển Đông.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Như vậy, từ thời điểm đó, Việt Nam sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ và thành phố Huế.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Huế bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với nghị quyết này.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Huế là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2025 - 1

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo nghị quyết của Quốc hội, ngoài các chế độ, chính sách đối với thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết tất cả đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.

Với ý kiến còn băn khoăn về tỷ lệ số đơn vị hành chính đô thị trực thuộc thành phố Huế và chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước còn thấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.

Vì thế, về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa, mà chú trọng nhiều hơn cho việc bảo đảm chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị.

Huế là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2025 - 2

Phiên họp Quốc hội sáng 30/11 (Ảnh: Hồng Phong).

Việc thành lập thành phố Huế sẽ là động lực để triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, có phương hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể, nhằm tăng cường chất lượng đô thị, phát triển nhanh, mạnh và bền vững kinh tế đô thị, từ đó từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương ở các quận mới được thành lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho bổ sung trong dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND và cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận mới được thành lập.

Theo đó, Thường trực HĐND thành phố Huế chỉ định quyền Chủ tịch HĐND quận theo đề nghị của Thường trực HĐND thành phố Huế (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế).

Chủ tịch UBND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch UBND, UBND quận lâm thời để hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, cho phép Chủ tịch UBND thành phố Huế quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận lâm thời.

UBND quận lâm thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận theo quy định của pháp luật và hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2026-2031 được thành lập.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn bộ máy của chính quyền địa phương tại các quận mới để có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương mà không cần phải tổ chức bầu bổ sung đại biểu HĐND quận tại thời điểm quá gần với cuộc bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031 (dự kiến tổ chức vào tháng 5/2026).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × 1 =