Ông Kim Jong-un: Nga có quyền tự vệ trước Ukraine, buộc phương Tây trả giá

Ông Kim Jong-un: Nga có quyền tự vệ trước Ukraine, buộc phương Tây trả giá - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov tại Bình Nhưỡng ngày 29/11 (Ảnh: Yonhap).

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cuộc gặp “thân mật và đáng tin cậy” với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov tại Bình Nhưỡng vào ngày 29/11.

Trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lên án Mỹ và phương Tây vì cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Ông Kim Jong-un gọi động thái này là hành động can thiệp quân sự “trực tiếp”.

“Nga có quyền tự vệ khi hành động kiên quyết nhằm buộc các thế lực thù địch phải trả giá”, ông Kim Jong-un nhấn mạnh.

Ông Kim Jong-un khẳng định rằng “chính phủ, quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ luôn ủng hộ chính sách của Nga nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trước các động thái bá quyền của đế quốc”, KCNA đưa tin.

Ông Kim Jong-un: Nga có quyền tự vệ trước Ukraine, buộc phương Tây trả giá - 2

Ông Kim Jong-un và Bộ trưởng Quốc phòng Nga hội đàm (Ảnh: Yonhap).

Theo KCNA, ông Kim Jong-un cam kết mở rộng quan hệ với Nga trong mọi lĩnh vực, bao gồm quân sự, theo quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà ông đã ký với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6, trong đó có thỏa thuận phòng thủ chung.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên No Kwang-chol.

“Bộ trưởng Quốc phòng Nga bày tỏ mong muốn mở rộng hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi trong tình hình quốc tế phức tạp”, KCNA cho biết.

Theo truyền thông Nga, Bộ trưởng Belousov nói rằng sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên đang “mở rộng” trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quân sự. Hai bên cũng cam kết thực hiện mọi thỏa thuận đã đạt được ở cấp cao nhất.

Ông Belousov bày tỏ sự tin tưởng rằng “các cuộc thảo luận sẽ củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Nga – Triều Tiên trong ngành công nghiệp quốc phòng”.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bình Nhưỡng hồi tháng 6, hai bên đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga – Triều Tiên nhằm thay thế một số thỏa thuận trước đó giữa 2 nước.

Theo hiệp ước, nếu một trong 2 bên bị một hoặc nhiều nước khác tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ lập tức sử dụng mọi phương thức có thể để cung cấp hỗ trợ về quân sự hoặc các lĩnh vực khác.

Mỹ và đồng minh nhiều lần cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến chống Ukraine và đổi lấy viện trợ công nghệ cho các chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.

Mỹ và Ukraine cáo buộc Triều Tiên đã cung cấp cho Moscow các tên lửa đạn đạo, trong số đó có các tên lửa được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Ukraine từ cuối năm ngoái. 

Mỹ cũng cáo buộc Triều Tiên đưa hơn 11.000 quân tới Nga để chiến đấu cùng lực lượng Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine.

Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Triều Tiên đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × two =