Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có nhiều ý tưởng đột phá

Cuộc thi xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống

Chiều 29/11, chia sẻ với phóng viên Dân trí, sau khi đạt giải nhất của Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 do báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức, với ý tưởng “Camera xử phạt vi phạm và phân tích giao thông thông minh”, tác giả Bạch Ngọc Minh Châu phấn khởi cho biết, khi nhận tin đạt giải, Châu và cộng sự cảm thấy vô cùng xúc động và trân trọng.

“Đây không chỉ là nỗ lực của cá nhân tôi mà là nỗ lực của một tập thể đã tạo nên thời khắc này”, Minh Châu phấn khởi nói.

Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có nhiều ý tưởng đột phá - 1

Tác phẩm của tác giả Bạch Ngọc Minh Châu và các cộng sự đoạt giải Nhất trong cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2024 (Ảnh: Ban tổ chức).

Minh Châu chia sẻ, nhóm có 5 thành viên là Nguyễn Thùy Tiên, Nguyễn Vũ Lâm, Nguyễn Minh Đức, Đinh Văn Duy và Bạch Ngọc Minh Châu. Nhóm biết đến cuộc thi ngay từ những năm đầu tiên, 2 đợt thi trước sản phẩm của nhóm chưa thực sự “chín” và điều quan trọng hơn là chưa có chủ đề nào sát với ý tưởng của sản phẩm.

Đến năm 2024, chủ đề của cuộc thi là “Giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông, cảnh báo giảm thiểu vi phạm quy định, luật giao thông đường bộ” thực sự là chủ đề hay và hoàn toàn phù hợp với ý tưởng mà nhóm đã ấp ủ suốt 3 năm qua. Do đó, nhóm đã quyết định tham gia ngay cuộc thi khi đọc chủ đề.

“Tôi thấy ý tưởng của cuộc thi năm nay xuất phát từ thực tế nhu cầu của cuộc sống cần các sản phẩm công nghệ giúp cho việc giám sát vi phạm giao thông, giám sát an toàn giao thông có tính tự động, thông suốt, an toàn, văn minh”, Minh Châu cho biết.

Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có nhiều ý tưởng đột phá - 2

Tác giả Bạch Ngọc Minh Châu (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo Minh Châu, trên thị trường đã có một số sản phẩm được triển khai tuy nhiên chưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản phẩm, và đặc biệt vẫn đang sử dụng các camera được sản xuất từ nước ngoài. Trong khi thông tin giao thông của các quốc gia gần như là thông tin liên quan đến yếu tố an ninh, và cá nhân của người dân, chính phủ.

Do đó, nhóm của Minh Châu đã ấp ủ mang công nghệ AI vào sản phẩm nhằm giúp cho việc triển khai sản phẩm ra ngoài được dễ dàng, và đó cũng chính là yếu tố khó nhất trong việc thực hiện ý tưởng.

Ngoài ra, để thương mại hóa, cho sản phẩm tiếp cận được với nhiều đơn vị, cơ quan trong Chính phủ từ Bộ Giao thông vận tải đến Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông cũng là một thử thách mà ý tưởng của nhóm cần hướng tới. Tham gia cuộc thi này đã giúp cho sản phẩm của nhóm thực hiện được một phần việc tiếp cận với các cơ quan chức năng.

“Cuộc thi đã tạo ra một sân chơi rất bổ ích, hàng năm đều có rất nhiều ý tưởng đột phá được sinh ra và điều này đã giúp truyền thông được việc tuân thủ luật lệ giao thông, xây dựng văn hóa giao thông”, Minh Châu nói. 

Từ việc bị ngã do lao phải ổ gà tới đoạt giải Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam

Sau khi nhận được thông tin vào vòng Chung kết cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024, vợ chồng anh Mai Trọng Hữu, Nguyễn Thị Mỹ Tú cùng con trai 4 tuổi di chuyển từ Hậu Giang ra Hà Nội từ ngày 27/11 để tham dự buổi lễ trao giải. 

Tại buổi lễ trao giải chiều 29/11, vợ chồng anh Hữu vô cùng vui mừng khi sáng kiến “Thiết bị IoT cảnh báo ổ gà cho xe máy nhằm tăng cường an toàn giao thông đường bộ” đã đạt giải Ba. 

Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có nhiều ý tưởng đột phá - 3

Vợ chồng anh Mai Trọng Hữu, Nguyễn Thị Mỹ Tú cùng con trai 4 tuổi di chuyển từ Hậu Giang ra Hà Nội để tham dự buổi lễ trao giải (Ảnh: Nguyễn Hải).

“Khi lên nhận giải chúng tôi vô cùng xúc động, vui mừng. Vợ chồng tôi xin gửi lời chân thành đến báo Dân trí đã tổ chức cuộc thi vô cùng ý nghĩa, thiết thực”, anh Hữu xúc động chia sẻ. 

Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 do báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Đồng hành cùng cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 có đơn vị tài trợ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng các đơn vị tư vấn chuyên môn đến từ nhiều trường đại học và các chuyên gia ngành giao thông.

Anh Hữu tâm sự, bản thân là giáo viên dạy địa lý tại một trường THCS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhưng lại rất đam mê nghiên cứu, công nghệ. Năm 2022, vợ chồng anh biết đến cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam do báo Dân trí tổ chức nên thường xuyên theo dõi. 

Đến năm 2024, anh Hữu và vợ quyết định tham gia cuộc thi với sáng kiến “Thiết bị IoT cảnh báo ổ gà cho xe máy nhằm tăng cường an toàn giao thông đường bộ”.

“Trong một lần đi dạy học bằng xe máy, tôi đâm trúng ổ gà bị ngã dẫn đến chấn thương nên đã nảy sinh ra sáng kiến chế tạo thiết bị cảnh báo ổ gà dành cho xe máy để đảm bảo an toàn cho mọi người”, anh Hữu chia sẻ về sáng kiến tham dự cuộc thi năm 2024.

Từ ý tưởng ban đầu, vợ chồng anh bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ để phát triển ý tưởng thành hiện thực. Nhờ có sự giúp đỡ của vợ, từ ý tưởng ban đầu, vợ chồng anh đã dần triển khai thành sản phẩm và có thể ứng dụng trong thực tế.

“Thiết bị IoT cảnh báo ổ gà cho xe máy nhằm tăng cường an toàn giao thông đường bộ” đến từ nhóm tác giả Mai Trọng Hữu, Nguyễn Thị Mỹ Tú đã đạt giải Ba của cuộc thi năm nay.

Nhóm nghiên cứu tạo ra thiết bị thu thập được dữ liệu, định vị vị trí “ổ gà” lưu vào thẻ nhớ chỉ bằng một nút nhấn. Thiết bị sẽ cập nhật và đánh dấu vị trí “ổ gà” trên bản đồ trực tuyến, từ đó, cảnh báo cho người tham gia giao thông sắp đến “ổ gà” với khoảng cách cảnh báo 100m theo thời gian thực.

“eTraffic – Hệ thống phần mềm giao thông thông minh giúp giảm thiểu tai nạn và hệ thống tối ưu hóa đèn tín hiệu” của nhóm tác giả đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội với các thành viên Bạch Nhật Minh, Nguyễn Hoàng Phương, Phạm Bá Huy Hoàng, Nguyễn Thị Thúy Hiền đã đạt giải Nhất của cuộc thi năm nay.

Đây là hệ thống tích hợp dữ liệu về các vụ tai nạn, dữ liệu về lưu lượng phương tiện giao thông, dữ liệu hệ thống camera giám sát, lượng dữ liệu thu thập về tình hình giao thông trở nên phong phú và đa dạng.

Sản phẩm eTraffic ra đời nhằm biến nguồn dữ liệu thành tài liệu cung cấp thông tin giá trị, giúp cải thiện luồng giao thông, giảm tắc nghẽn và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

19 + 10 =