Gánh nặng đời trên vai người phụ nữ nhỏ bé
“Năm nay 67 tuổi rồi mà nặng có 27kg à, vậy nhưng vẫn phải đi mần mướn!. Không mần thì lấy gì mà ăn? Nhà cô là hộ nghèo nhất ấp này đó”, cô Nguyễn Thị Thúy, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, đã mở đầu câu chuyện như thế.
Là lao động chính trong gia đình có tới 7 miệng ăn nhưng thu nhập hàng tháng của cô cũng khoảng 3 triệu đồng. Việc ổn định nhất là lặt tép thuê, tiền công mỗi ngày 80.000 đồng nhưng một tháng chỉ làm 6 ngày là hết việc. Thời gian còn lại, cô đi làm cỏ, dọn nhà, nấu ăn… được trả 150.000-200.000/ngày nhưng cũng không phải lúc nào cũng có việc. Chồng cô ở nhà lo đưa đón các cháu đi học và sửa chữa điện gia dụng, thu nhập chẳng đáng là bao.
Cha mẹ cô trước cũng làm thuê và bán quán ven đường nên cái nghèo đã quấn lấy cô từ nhỏ. Năm 1981, cô lập gia đình.
Dù rất chịu khó làm mướn và phụ má bán quán ven đường nhưng hai vợ chồng vẫn cứ nghèo. Cô chú có hai người con. Người con cả, sinh năm 1982, hiện là tài xế xe container, lập gia đình và sống cùng với cô chú. Tiếng là sống cùng nhưng một nhà hai bếp, mọi sinh hoạt đều riêng rẽ. Chỉ gia đình con gái mới thực sự ăn cùng.
Thúy Liễu, con gái cô, năm nay 32 tuổi nhưng đã là mẹ của 4 đứa con mà lớn nhất cũng chỉ học lớp 4. Hai năm trước, vì chồng trốn nợ bỏ đi biệt tích mà Liễu đành ôm 4 con nhỏ về với ông bà, rau cháo nuôi nhau. Liễu cũng từng làm công nhân may nhưng công ty không có đơn hàng, đành ở nhà giữ con. Từ đó, cô Thúy trở thành lao động chính bất đắc dĩ của gia đình 7 người.
Trước khi mẹ mất, có để lại cho cô một đôi bông tai nhưng rồi cũng phải đem đi cầm lấy 1 triệu đồng để trả tiền điện nước. Đến nay, cô vẫn chưa thể chuộc lại món kỷ vật duy nhất này mà chỉ đủ tiền đóng lãi 35.000 đồng mỗi tháng.
Cô cũng nợ ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng và cũng chỉ có thể trả tiền lãi. “Cô Thúy là hộ nghèo đến nay đã 4 năm, không có khả năng thoát nghèo. Trước kia còn bán hủ tíu, cà phê, nước mía, còn có đồng ra đồng vào nhưng sau dịch Covid-19 thì hết vốn, đồ đạc cũng hư hết”, ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Phước Trạch, xã Phước Thạnh, Châu Thành, Bến Tre cho biết.
Quán hủ tíu, nước mía mà ông Tiến nhắc đến là quán mà mẹ cô để lại, một quán nhỏ ven đường có thể gặp ở bất cứ đâu tại miền Tây Nam Bộ. Gọi là quán nhưng chỉ một cái bệ xi măng để đứng bán và một khoảng sân nhỏ đủ kê được bốn cái bàn cho chục người ngồi ăn. Sau này, cô chú có mua thêm một máy ép nước mía. Nhưng giờ đây, tất cả đều không dùng được nữa. Vì thế, mong muốn “bán buôn lặt vặt qua ngày” giờ chỉ còn là ước mơ.
Những nụ cười được “làm mới”
Một sáng tháng 10, cô Thúy ngỡ ngàng trước món quà mà “Ước mơ xanh” đã chuyển đến tận nhà. “Cả đời đã được tặng quà đâu nên run quá. Không biết là gì nhưng cô cảm ơn nha”, cô nói. Lặng đi trước món quà một lúc, cô Thúy mới kéo được tấm màn che. “Cô chịu món quà này lắm, đủ vật dụng để mở quán”, cô chia sẻ.
Chiều hôm ấy, hàng xóm thấy cô Thúy tươi cười, nhanh nhẹn đến chợ, mua sợi hủ tíu, gia vị, rau hành… chuẩn bị bán hàng. Mới 2h đã đưa nhau đi chợ, chọn từng ký thịt, mua từng ký xương về ninh nước lèo.
Sau hơn một tháng, quán cô Thúy đều đặn bán 50 – 60 tô và hơn chục ly nước mía mỗi ngày. Tính ra, tiền lời cũng khoảng 180.000 – 200.000 đồng, đủ giúp gia đình bớt khó khăn. Nhiều người nói cô nấu ăn khá ngon lại sống chân thật, cởi mở với xóm giềng nên sẽ luôn ủng hộ quán cô.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Thạnh, Châu Thành, Bến Tre tin tưởng với sự hỗ trợ của “Ước mơ xanh” và F88, quán hủ tíu sẽ là cơ hội thoát nghèo của cô Thúy và hội rất cảm ơn vì đã trao cơ hội này cho một gia đình khó khăn điển hình của xã.
“Ước mơ xanh” là chương trình hỗ trợ phụ nữ yếu thế khởi nghiệp của F88. Được triển khai từ quý I, đến nay “Ước mơ xanh” giúp 5 hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM và Lâm Đồng khởi nghiệp thành công, từ đó vươn lên làm chủ kinh tế gia đình và gián tiếp kéo giảm sự bất bình đẳng giới.
“Trao cần câu, không trao con cá” là tiêu chí của “Ước mơ xanh”, đây cũng là giải pháp giúp phụ nữ yếu thế vươn lên bền vững. Lãnh đạo F88 khẳng định “Ước mơ xanh” đặt mục tiêu mỗi tháng giúp một hoàn cảnh khó khăn vươn lên, làm chủ cuộc sống.